“Để thiết kế cho một thế giới mà chúng ta muốn sống, có nghĩa là tự hỏi và chân thật trả lời với chính mình: Điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì là tốt, điều gì là xấu. Đâu là thứ xinh đẹp và đâu là điều xấu xí”.
William McDonough, kỹ sư, nhà thiết kế, đồng tác giả của mô hình thiết kế Cradle to Cradle.
Câu phát biểu trên được McDonough chia sẻ trong buổi phỏng vấn với kênh “The Beautiful Truth” về mô hình thiết kế từ cái nôi đến cái nôi (Cradle-to-Cradle).
Ra đời năm 2002 và đã được cập nhật gần đây để phù hợp với xu hướng và nhu cầu sản xuất thực tế, triết lý Cradle to Cradle của hai tác giả William McDonough và Walter Braungart đặt nền tảng quan trọng giúp hình thành giải pháp lâu dài cho bài toán rác thải trong thiết kế.
Lý tưởng và cảm hứng nhưng Cradle-to-Cradle cũng là một mô hình được đánh giá là vô cùng khắt khe để đạt được. Hãy cùng RIO đi qua một số khái niệm cơ bản để hiểu về mô hình này nhé!
1. Cradle-to-Cradle là gì?
Khác với mô hình kinh tế tuyến tính ba giai đoạn truyền thống “Khai thác-sản xuất-vứt bỏ” (take-make-waste), Cradle-to-Cradle mô phỏng chu trình tự nhiên nơi mọi vật trên Trái Đất đều là tài nguyên cho một thứ khác. Từ công thức: “Khai thác-Sản xuất-Tái sử dụng-Tái chế-Phục hồi” (take-make-retake-remake-restore), cách tiếp cận của Cradle to Cradle hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn ý niệm về “rác thải” ra khỏi chu trình thiết kế, biến “rác thải” thành “nguồn dinh dưỡng” cho quá trình sản xuất tiếp theo.
Nguyên lý thiết kế chính của Cradle-to-Cradle (C2C) xoay quanh hai nguồn dinh dưỡng chính trong thế giới ngày nay, bao gồm chất dinh dưỡng sinh học trong tự nhiên và con người cũng nằm trong đó. Và dưỡng chất kỹ thuật, là những vật liệu do con người tạo ra và có khả năng tái tạo được. Cụ thể, nguồn dinh dưỡng sinh học là những gì có thể quay trở lại dưới lòng đất mà không cần xử lý, an toàn và lành mạnh cho cuộc sống. Còn những dưỡng chất kỹ thuật, phải quay trở về với ngành công nghiệp thì cũng có thể đi xuống lòng đất nhưng cần trải qua quá trình tái chế quay vòng sử dụng được cho nhiều thế hệ. Và mục tiêu của chúng ta, những người đang góp phần tạo nên thế giới từng ngày là không để thế giới kỹ thuật làm ô nhiễm thế giới sinh học và ngược lại.
C2C khác biệt cũng bởi mục tiêu và cách tiếp cận triệt để ấy, xoá bỏ khái niệm về “rác” để vật liệu được trở lại vòng tuần hoàn mà không chất đầy thành mồ chôn thế giới này. Cũng đúng thôi vì nếu xét từ mục tiêu thì rõ ràng là chúng ta không làm thiết kế vì muốn kết liễu thế giới này. Ta thiết kế để sản phẩm được trân trọng, sử dụng, phát huy hết mức công dụng của sản phẩm, đúng không?
2. 3T - Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế - là vẫn chưa đủ?
3T là giải pháp phổ biến để bảo vệ và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy 3T tốt nhưng với tình hình cạn kiệt và ô nhiễm của thế giới hiện nay, nó chỉ góp phần giải quyết được bề nổi của tảng băng chìm, là cách tiếp cận “ít tệ hơn” mô hình tuyến tính truyền thống. Thời đại công nghệ phát triển, chỉ một cú click chuột là có 99+ ý tưởng tăng xin, giảm mua, tái chế đồ cũ, làm lành với môi trường xuất hiện. Cái dễ của 3T khiến nó được phổ biến nhưng cũng gây ra nhiều biến tướng về mục đích của nó. 3T dễ dàng xoa dịu chính ta và dư luận “Làm được vậy là tốt lắm rồi!”. Nhưng xét về bản chất, 3T chỉ trì hoãn phần nào thời gian bị chôn vùi nơi bãi rác của số phế liệu được tạo ra trong quá trình sản xuất, một thời gian sau thì đâu vẫn sẽ vào đấy.
Sự phổ biến của 3T hiện cũng đã dần nhường sân khấu cho 2T do tính nghiêm trọng của vấn nạn môi trường: Tái định nghĩa, Tái thiết kế (Redefine, Redesign) - giảm thiểu rác thải song song với không tiêu thụ quá mức. Nhiệm vụ của người tiêu dùng là “tái định nghĩa nhu cầu”, hướng đến mua sắm thông minh, sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả. Và nhiệm vụ của những người làm sản xuất là biết cách “tái thiết kế” sản phẩm để có thời hạn sử dụng dài hơn.
Cradle-to-Cradle không hướng đến mục tiêu đơn thuần là “hạn chế thiệt hại cho môi trường” như 3Rs hay “giảm thiểu rác thải” như 2Rs mà khắt khe hơn, đó là “tái sinh hoàn toàn” vật liệu cấu thành sản phẩm ngay khi nó còn trong dây chuyền sản xuất.
3. Liệu thật sự có cách để không lãng phí bất kỳ thứ gì không?
Bí mật của thiết kế Cradle-to-Cradle là tất cả mọi thứ đều trở thành chất dinh dưỡng và có thể quay về với môi trường tự nhiên hoặc tái chế mà không ảnh hưởng đến yếu tố chất lượng. Braungart và McDonough giải thích rằng các vật liệu được sản xuất và sử dụng cho mục đích công nghiệp và thương mại thường sẽ thuộc một trong hai loại: Chất dinh dưỡng sinh học và chất dinh dưỡng kỹ thuật. Phương pháp tiếp cận Cradle-to-Cradle sau đó được phát triển thành hai chu trình cùng tên bổ sung cho nhau.
Chu trình sinh học thì đã quá đỗi quen thuộc với founder nổi tiếng nhất là “mẹ thiên nhiên”. Chúng ta học từ KOL này cách biến đổi những nguyên vật liệu hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng mới cho chu trình sản xuất và áp dụng phổ biến chu trình này trong mảng nông nghiệp, thực phẩm hữu cơ hay chính là mô hình VAC (Vườn-Ao-Chuồng) của ông bà ta từ ngày xưa.
Còn trong chu trình kỹ thuật (Technical Cycle), để không lãng phí bất kỳ vật liệu kỹ thuật nào nghe chừng khó hơn nhưng không phải là không thể. Những nguyên liệu sau sử dụng tưởng như sẽ bỏ đi với tư duy dưỡng nuôi sẽ được thiết kế để quay vòng ngay từ khi chỉ là ý tưởng nằm trên giấy. Một ví dụ hoàn hảo cho điều này là cách Wolford, một đơn vị đạt chứng nhận “cái nôi vàng” trong làng thời trang đã thiết kế để từ nguyên vật liệu, sản xuất tới quá trình thu hồi và tái thiết kế lại hoàn toàn … những chiếc áo lót của hãng.
4. Có phải tất cả sản phẩm đều có thể ứng dụng Cradle-to-Cradle vào trong hoạt động sản xuất?
Chứng nhận Cradle-to-Cradle chấm điểm bền vững ở khía cạnh môi trường và xã hội của sản phẩm trên thang điểm 5 tương ứng với 5 tiêu chí: Vật liệu an toàn cho sức khỏe, tái sử dụng vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý nước hiệu quả và trách nhiệm xã hội. Giữa bộ tiêu chí tưởng chừng toàn diện, hiện hữu một rào cản lớn cho các nước đang phát triển là “năng lượng tái tạo” khi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để áp dụng năng lượng tái tạo cho toàn bộ quy trình sản xuất. Cách thức triển khai đánh giá của Cradle-to-Cradle cũng ngụ ý rằng cần thiết phải có hạ tầng công nghiệp tương đối phát triển và được đầu tư tiếp cận những phát minh mới về công nghệ, tái chế mới đủ điều kiện giành lấy huy chương danh giá Cradle-to-Cradle.
Dù cán cân lợi thế nghiêng về các quốc gia phát triển với cơ sở hạ tầng tiên tiến, những quốc gia đang phát triển cũng có thể ứng dụng mô hình hay đạt được chứng chỉ C2C ở những lĩnh vực sản phẩm có thành phần khả thi cho thiết kế C2C như nội thất, thực phẩm, quần áo hoặc vật liệu xây dựng.
Tại Việt Nam, vào năm 2020, tập đoàn AMANN Việt Nam đã đạt được chứng nhận Vàng Cradle-to-Cradle cho sản phẩm chỉ may Lifecycle Polyamide - loại chỉ duy nhất được chứng nhận có thể tái sử dụng thông qua chu trình kỹ thuật. Nguyên liệu thô cho Lifecycle Polyamide được lấy từ lưới đánh cá tái chế và nguyên liệu may mặc khác. Vì quy định Cradle to Cradle® không cho phép sử dụng bất cứ vật liệu nào có hại cho sức khỏe và môi trường trong quá trình sản xuất, nên AMANN không sử dụng silicon, mà chỉ sử dụng thuốc nhuộm có thể phân hủy để nhuộm sợi. Quy trình tiết kiệm tài nguyên này không chỉ có tác động tích cực đến môi trường mà còn lên chất lượng sản phẩm, loại chỉ may Lifecycle mới có độ bền chắc tuyệt vời, ma sát cao.
Vài lời kết lại:
Quả thực, với góc nhìn thực tế thì các tiêu chuẩn Cradle-to-Cradle quá ngặt nghèo và dường như chỉ dành cho "kẻ sinh ra ở vạch đích" - những doanh nghiệp lớn tại các nước phát triển với cơ sở hạ tầng tiên tiến, đội ngũ R&D giỏi, vốn đầu tư dày và mức độ quan tâm đến môi trường của người dân cao.
Lật qua lật lại khái niệm này khiến chúng tôi tự hỏi: “Phải chăng, những tiêu chuẩn vô cùng ngặt nghèo ấy cũng là gợi ý để ta biết mức độ nghiêm trọng của những gì đang diễn ra và cách thức duy nhất để giải quyết vấn đề này là tư duy giải quyết vấn đề triệt để và hành động quyết liệt tới mức ấy?”